TRUYỆN NGẮN VỀ MẸ - NHỮNG LÁ THƯ TRONG TÚI ĐỒ ĂN

Truyện ngắn được viết bởi PGS.TS Phạm Thị Thanh Thùy - Trưởng khoa Ngoại ngữ Đại học Kinh tế Quốc dân - Người chị tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng!
---------------------------
Hết tuổi ế, tôi về ở chung với nhà chồng. Nói thế cho oách thôi, chứ nhà chồng ở ngay gần, cách nhà bố mẹ đẻ có vài ki-lô-mét nên đi về nhà mẹ đẻ mất có mấy phút đi xe.
Các cụ thì dạy “có con mà gả chồng gần, nửa đêm đốt đuốc mang phần cho cha” rồi “có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng mang cho”… nhưng đến đời tôi thì lại ngược hẳn lại - “có bát canh cần nó cũng sang xin”…

Mà đâu có kịp xin, chỉ cần thấy ánh mắt con gái lưu lại món gì lâu một chút thì y như rằng ngày mai món ăn đó đã nằm ngay ngắn trong hộp nhựa (loại microwaveable), được đóng gói cẩn thận để chờ ship sang cơ quan cho tôi. Khéo mẹ tôi còn là bà thân sinh ra cái “quy luật 3 giây” mà đám bạn Digital hay facebook marketing của tôi suốt ngày tung hô bàn tán. Có ai mà không biết quy tắc đó không nhỉ? Bạn cứ thử để con chuột của bạn hover trên 1 cái đầm kiểu chỉ 3s thôi… Hôm sau, facebook hay newsfeed của bạn sẽ đầy rẫy các kiểu gái xinh với váy, áo, nơ, mũ…
Nhiều lúc đến nhà mẹ đẻ, tôi chẳng dzám khen đồ ăn gì. Thứ gì được khen thì kiểu gì ba tới bốn ngày tới đó sẽ là món chủ lực trong thực đơn của tôi ngay (có khi tới cả tuần!). Trộm vía, mẹ tôi nấu ăn ngon lắm, nhưng ăn cả tuần một món thì cũng… oải

 
Lúc nào tôi cũng vẫn chỉ là một đứa con gái bé bỏng của Bà

Phải nói mẹ nấu ăn ngon thật (chí ít là đối với tôi hoặc theo cái lý ở nhà nhất mẹ nhì con của các cụ). Đã thế lại còn nhanh và gọn nữa. Chỉ thoắt cái các đám thịt, cá tươi sống đã nằm gọn gàng thơm phức mùi gia vị trên các loại đĩa to nhỏ rồi, trong khi đứa con gái (là tôi đó) vẫn đang còn loay hoay với bát nước chấm chưa đâu vào với đâu cả, trong đầu vẫn ngẩn ngơ với ba cái việc chia động từ tiếng Anh thời perfect với tương lai tiếp diễn…
Chả trách con gái của bà mãi vẫn chỉ biết luộc gạo với ninh trứng cả quả! Ở truyện trước (kỳ 2- con đi lấy chồng) tôi đã kể chuyện mẹ mở “lớp cấp tốc” dạy con gái trước khi về nhà chồng mà suýt nữa đội cứu hỏa có thêm thành tích dập lửa do cháy bếp tại khu nhà tập thể do hôm đó tôi “trổ tài” rán nem chao qua dấm cho đượm màu rộm vàng (theo cách mẹ tôi bày).
Hình như mẹ tôi không bao giờ biết mệt với những việc bếp núc đó thì phải. Lúc nào tôi đến thăm cũng thấy cụ đang lúi húi trong bếp xào, nướng một cái gì đó. 
-    Sao mẹ không nghỉ ngơi đi nhỉ?
-    Ôi giời, làm thế này cũng có mệt đâu! Ngồi không, có khi lại sinh bệnh thêm! 
Đấy, cứ cách lý giải đơn giản “ngồi sinh bệnh, làm hết bệnh”, khiến mẹ tôi chẳng lúc nào ngơi nghỉ chân tay. Khi thì xay mướp đắng, lúc thì nấu chuối hột để cho bố tôi phòng chống bệnh tiểu đường. Rồi có lúc lại nấu nước lá chống gút, đổ vào chai sẵn cho anh trai tôi mang đi cơ quan uống. Lại cả món bí xanh xay cho chị dâu tôi giảm béo. Không hiểu mẹ tôi lấy đâu ra nhiều năng lượng đến vậy chứ! Trên trời dưới bể, cứ ai bày cho thực phẩm gì tốt cho cuộc sống là mẹ tôi thử làm luôn.
Gian bếp của bà giống như một phòng thí nghiệm thu nhỏ! Chu choa là đủ các loại: Máy ép (2 máy ép nhanh, 1 máy ép chậm), lò nướng (bánh mì, nướng nhanh, nướng chậm… to đủ để nhét cả một con gà), máy xay sữa hạt (tới 3 cái liền, cho tới khi bà mua được cái máy Ramben (!) thì mới chịu thôi), máy đánh trứng, máy nhào bột, máy… không nhớ. Bếp thì nhỏ, đồ thì nhiều. Lạ một cái là cần cái gì là cụ lại tìm ra được ngay! Chả bù cho tôi - ra chợ mua thì chắc chắn 100% còn nhanh hơn là lục tìm trong nhà…
Ở đầu câu chuyện, tôi có trích cú câu của các cụ - “có bát canh cần nó cũng mang cho” ấy nhưng mà ở đây thì ngược lại và ngược đời một cách không thể tệ hơn. Có đồ nào ngon là Mẹ lúc nào cũng để phần. “Nó” mà bận việc hoặc não cá vàng đến mức quên không thèm qua lấy thì lại phải gọi ship chuyển đến chỗ “nó” làm.
Suy nghĩ thật đáng yêu của mẹ tôi “Thương “nó” đi lấy chồng chẳng được mẹ chăm sóc! Ở cơ quan có thời gian nấu đâu nên toàn ăn linh tinh!” đã khiến Bà lúc nào cũng vất vả lo cho tôi. Lúc nào tôi cũng vẫn chỉ là một đứa con gái bé bỏng của Bà! Nhiều lúc nghĩ mình lớn rồi, đi lấy chồng rồi, sao cứ để mẹ bận tâm lo lắng nhỉ. Một lần thử từ chối nhận những thứ đồ mẹ tôi nấu, làm cho Bà giận – trừng phạt bằng mấy ngày không thèm nói khiến tôi cạch đến già. Sau lần đó, đương nhiên là “Nó” lại tiếp tục vui vẻ hồ hởi và phấn khởi nhận đồ Bà ship đến thôi!
Còn nhớ, có lần tôi về thăm đột xuất không báo trước (nếu báo trước là kiểu gì mẹ tôi cũng chuẩn bị từ sớm nấu nướng chờ gia đình tôi tới), hôm đó mẹ tôi không kịp chuẩn bị món ăn gì đặc sắc cho tôi, cho dù trong bếp của Bà lúc nào cũng đầy ắp các đồ ăn rồi nhưng mẹ tôi vẫn cứ áy náy suốt buổi nói chuyện:
-    Sao mày không báo trước để mẹ nấu cái gì cho mà ăn (mẹ tôi vừa nói, vừa lục tung tủ lạnh, lôi hết đồ nọ tới đồ kia ra bắt tôi ăn).
-    Con ăn cơm cá thế này thích lắm rồi mà mẹ!
-    Cá mẹ nấu cho ba nên hơi mặn, con ăn nhạt không ăn được đâu! Chờ tí! (rồi nhanh thoăn thoắt, mẹ tôi xả đông để kịp có nguyên liệu nấu món mới cho tôi).
Mẹ tôi biết hết khẩu vị của mọi người, tôi ăn nhạt, nên lúc nào mẹ tôi cũng nấu riêng một nồi. Đó chính là lý do nhiều khi mẹ tôi gửi đồ ăn cho tôi là gửi cả nồi mẹ nấu riêng cho tôi, do đó tôi cứ thế ăn cả 3-4 ngày là vì thế!
-    Con ơi, chú ý điện thoại, mẹ gọi ship đến cơ quan rồi nhé! Mẹ dặn trong giấy rồi, nhớ mang ra ăn luôn nhé!
-    Ôi mẹ ơi, con đang họp mà mẹ!
-    Thì con xuống lấy tí thôi rồi lên họp tiếp!
Giải pháp của mẹ tôi thật đúng là của các Cụ! Đang họp với lãnh đạo mà xin phép xuống lấy ship đồ ăn rồi lên họp tiếp, hihi. Nhiều khi tôi bận họp nên phải nhờ chị đồng nghiệp xuống sảnh lấy. Mẹ tôi cũng biết là tôi hay phải nhờ người xuống lấy nên lúc nào Bà cũng viết dòng chữ rất to và dán bên ngoài “BA MẸ GỬI CHO CON GÁI PTT”. Mẹ tôi lý giải:
-    Mẹ viết thế vì sợ nhiều người tưởng mày hay được nhận quà biếu, mang tiếng!
-    Ôi mẹ thật lo xa! Vị trí của con bé tẹo, chả ai biếu gì đâu!
-    Thế mẹ mới lại càng phải làm vậy con ạ!
Đến trưa họp xong lên phòng tôi mới mở túi đồ ba mẹ tôi gửi. Đồ ba mẹ tôi gửi bao giờ cũng được bỏ trong túi giấy quà biếu rất đẹp, bên ngoài ghi dòng chữ “BA MẸ GỬI CHO CON GÁI PTT” (vốn là giáo viên dạy văn nên chữ mẹ tôi viết đẹp và rõ lắm), và được buộc bởi 2 lớp dây thắt nút (cách buộc đã trở thành độc quyền của mẹ tôi- và tôi chỉ có thể lấy dao/ kéo cắt chứ không bao giờ có thể lấy tay không mở ra được!) Trong túi đồ, thường mẹ tôi ghi rất cẩn thận lời dặn dò ra giấy – tôi gọi đó là “thư mẹ dặn”: “Cá mẹ để riêng trong hộp, con chia ra ăn 2 hôm thôi nhé, mẹ nấu hơi nhiều con cố ăn nhiều chút, đừng tiết kiệm, để lâu trong tủ lạnh không tốt đâu con! Thịt thì để tối mang về cả nhà ăn! Con đi suốt ngày, nên có đồ ăn mang về thay đổi bữa, con dâu mà cứ đi suốt vậy, thì nhớ phải lo cho gia đình chồng con nhé! Có ít tôm ngon mẹ mua luôn, nấu kiểu ngọt ngọt con Bubu thích. Con mang về cho cháu nhé! Con giữ gìn sức khỏe, làm ít thôi con ạ! Tiền không mang đi được đâu!” Kết thúc những lời dặn dò về đồ ăn, thức uống, bao giờ mẹ tôi cũng dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe, “làm ít thôi, và muốn ăn gì bảo mẹ nấu cho”, “nhớ bồi bổ con nhé”, “nhớ nghỉ ngơi nha con!”… 
****
Hôm nay trong thư mẹ viết cho tôi nhiều hơn, gửi cho tôi nhiều đồ ăn hơn. Những nút dây buộc hôm nay cũng nhiều hơn và cẩn thận hơn. Cảm nhận có gì đó lạ lạ. Khác mọi khi, tôi không lấy dao hay kéo cắt mà tỉ mẩn ngồi mở những nút dây mẹ tôi buộc, cảm xúc đưa tôi về với hình ảnh ngày xưa khi tôi còn học cấp 1, mẹ tần tảo thức khuya dán hộp, dập kim băng, làm bánh quế … làm thêm biết bao nghề phụ để kiếm thêm tiền lo cho gia đình, nhưng không lúc nào mẹ kêu than, trách móc, lúc nào cũng dành hết tình yêu thương và điều kiện tốt nhất để tôi và anh tôi được đến trường, được bằng bạn bằng bè. Đến bây giờ, những tình cảm và cả cách lo toan của người phụ nữ ngoài 70 ấy cho đứa con gái đã hơn 40 tuổi vẫn không thay đổi. Dường như những khắc khổ và sự chiêm nghiêm cuộc sống khiến Người biết được cái giá mà sức khỏe phải trả cho sự vất vả, phá sức mà tôi đang trải qua. Tôi cảm nhận nhiều lúc Người cảm thấy bất lực đứng nhìn công việc bận rộn đang vô tâm hàng ngày lấy đi tuổi thanh xuân và thời gian vốn đã ít ỏi tôi dành cho Người.
Đến bây giờ những lá thư của Người viết gửi kèm với những túi đồ ăn cho tôi đang được tôi cất giữ cẩn thận như những báu vật lưu lại những yêu thương Người dành cho tôi. Ngay lúc này đây, trong tôi hiện ra rõ nét những dòng chữ bút bi được Người viết ngay ngắn trong những tờ lịch cũ “lo sức khỏe con nha, làm ít thôi!”, những lời dặn ngắn ngủi, chứa bao nhiêu tình cảm nhưng trong cuộc sống hàng ngày cơm áo gạo tiền nhiều khi tôi đã lỡ quên mất.  
Mẹ của con ơi!
Link gốc bài viết: http://neulink.edu.vn/truyen-ngan-ve-me--nhung-la-thu-trong-tui-do-an/812/27.html

 

Tin cùng chuyên mục

Tình bạn cấp ba

Tình bạn cấp ba

Những tâm hồm bay bổng những xúc cảm chới với nhập nhằng giữa tình yêu và tình bạn, thế rồi vì quá thân mà không thể chạm được tới tình yêu nên tình bạn trở lên vĩnh cửu từ đó.

Người anh đáng kính đặng hà lâm  ceo nền tảng gaapnow

Người anh đáng kính đặng hà lâm ceo nền tảng gaapnow

CEO Đặng Hà Lâm (Woody), là người sáng lập và cũng là CEO của nền tảng GAAPNOW ứng dụng công nghệ AI và Blockchain trong lĩnh vực bất động sản. Trước khi kiến tạo nên sự thành công của GAAPNOW ngày hôm nay, CEO Đặng Hà Lâm đã từng đảm nhiệm những vị trí quan trọng ở các Tập đoàn nổi tiếng Quốc tế.

Họp lớp đại học sau 10 năm!

Họp lớp đại học sau 10 năm!

Thầy Dự là trưởng khoa, thầy dạy môn Cấu tạo vi tính. Đây là môn mình rất thích học và nó thật sự đem lại thu nhập cho mình từ năm thứ 2 ĐH qua việc lắp đặt máy tính cho các bạn ở ký túc xá, và mình gia sư 2 cậu khác cùng kiếm tiền chắc hẳn cũng vì hay tranh luận trên lớp về các bài của môn này nên thầy ấn tượng với mình.

Tuổi code!

Tuổi code!

33-34 Tuổi ở cái tuổi còn code xưa nay hiếm, nhưng việc phải làm thì vẫn phải làm, vừa code vừa quản trị công ty, vừa phải quản trị quan hệ khách hàng, đó là cả một khối lượng công việc khổng lồ mà mình thật khó có thể quản xuyến hết dc. 

Liên hệ