Truyện ngắn về đại dịch Covid - Cơ cực

|

Thanh cố ý ném bát mạnh xuống nền nhà, bát sứ va vào nền đá hoa cũ kỹ vỡ vụn, cơm bắn tung tóe văng về phía ti vi và giường, mặt đỏ gay gắt hắn ném liên tiếp sự giận dữ vào vợ.

CƠ CỰC

Thanh cố ý ném bát mạnh xuống nền nhà, bát sứ va vào nền đá hoa cũ kỹ vỡ vụn, cơm bắn tung tóe văng về phía ti vi và giường, mặt đỏ gay gắt hắn ném liên tiếp sự giận dữ vào vợ.
- Bây giờ thì biết làm sao, dù sao việc đã rồi. Chính hôm ấy cũng có mặt cô, có phải tôi lén lút đâu, chuộc cái xe Wave vớ vẩn có 7 triệu bạc cho nó cái xe để chạy grab. Mang tiếng bạn thân mà nó quỳ xin thế tôi còn mặt mũi nào không giúp.
- Thì tôi nể mặt anh tôi mới không thèm nói gì! Chứ cái ngữ ấy, anh giúp là anh hại bạn. Bao lần vay tiền rồi. Anh biết đường tránh ra, cái loại cờ bạc là không thể chấp nhận được. Bạn bè gì.
- Thôi thôi cô im mồm đi,“bao lần, bao lần” nào, có 2 lần thôi. Mà mãi mới biết chứ, biết sớm thì tôi cũng dell có giúp nó.
- Vâng ạ, 2 lần thì cũng mười mấy triệu rồi! giờ nhà mình cần tiền, thử hỏi bạn anh có thèm trả cho không? Giờ có số tiền này có phải yên tâm cách ly ngồi nhà không? Trong nhà không có nổi 500 nghìn, anh sướng không? Con người ta có đủ sữa, con anh thèm sữa tôi không giám mua, anh định để con anh chết đói à?
Thanh nghiến hai hàm răng không nói gì chỉ nhìn ra phía khoảng không phía trước với bức ván tường cũ nát của căn nhà cấp bốn thuê mấy năm nay vẫn không có gì thay đổi. Từ ngày tới thuê nhà, ngoài việc mua được cho vợ cái máy giặt mới, còn thì vẫn bếp ga cũ, vẫn tivi cũ, vẫn cái giường ọp ẹp mà mới đây thôi có lần 2 vợ chồng ở cái tuổi 28 - 30 đang lửa tình rừng rực quấn lấy nhau đam mê thân xác thì huỵch một cái mộng giường gãy xập nghiêng về một phía, thằng con lăn lóc xuống đất giật mình khóc ré lên như bị đánh.. 



Vợ Thanh vẫn sụt sùi khóc, tay xúc cơm cho thằng con trai gần 3 tuổi bên cạnh, thằng bé nhìn chằm chằm từng thìa cơm không dám lắc đầu như mọi khi, nó nhai chạo chạo mấy cái rồi nuốt chửng, như nuốt từng cơn sợ hãi...
- Thôi được rồi, tý tôi chạy đi bán cái điện thoại. Chắc cũng được tầm triệu bạc cho cô đi chợ được mấy hôm, xong mai tôi bật grab chạy lại may ra kiếm được ít đủ ăn qua đợt này rồi tính tiếp. Tối nay tôi sửa cái máy tính cho bà Hà cũng lấy được 300 nghìn tiền công, vậy là được chứ gì?
- Dịch ở Sài Gòn đang căng thẳng thế nhỡ Hà Nội bị phong tỏa anh tính sao? Tiền đâu mà mua gạo. Tủ lạnh chẳng còn gì, phải có ít mà dự trữ chứ? Người ta đang đua nhau đi mua đồ ăn, thức uống còn mình thì chẳng có tiền mà mua.
- Được rồi, được rồi, cô không cần nói nữa.
Rồi Thanh đứng dậy ra ghế sofa ngồi- cái ghế mà hắn xin được của anh bạn cùng hội kinh doanh BNI lúc họ chuyển nhà cũ quá, định vất đi may mà hắn xin được về dùng tạm. Với tay lấy cái tăm định xỉa răng mà chợt nhận ra mình còn chưa kịp ăn bát cơm, làm gì đã có gì dắt vào rang mà xỉa.
- Thế anh có ra ăn không để còn dọn.
- Thôi dọn đi, dell ăn nổi nữa.
Vợ Thanh cúi xuống nhặt vội miếng thịt luộc rơi trên sàn, cắt nhỏ cho vào bát cơm của thằng bé, xúc vội miếng cơm cuối cùng rồi bê mâm đi rửa, còn Thanh cũng cầm chổi tự dọn sàn nhà tung tóe cơm. Dọn xong hắn lấy chiếc xe Lead cũ kỹ của vợ dựng góc nhà phi ra đường để kệ thằng con đang chơi một mình với mấy mảnh ghép lego rẻ tiền xanh đỏ, còn vợ hắn vẫn hí húi trong bếp. Nổ máy, hắn đút điện thoại Samsung A7 vào túi quần, ném điện thoại Nokia 5 vào cốp không quên rút cả cái ổ sạc mang theo.
Chiếc xe máy vội vã lao từ ngõ 192 Lê Trọng Tấn rẽ về hướng Định Công Thượng qua khúc cua có một cái chợ, hắn định bụng tý vòng lại mua ít hoa quả về làm lành với vợ. Dựng xe trước cửa hàng điện thoại Đức Xuân- cái biển bạc phếch, cũ kỹ. Chủ cửa hàng là một người đàn ông trung niên mặc áo 3 lỗ, tay đang cầm điện thoại vuốt vuốt chơi game, liếc lên thấy khách nhưng vẫn tập trung không buồn chào khách. Vẫn ngồi trên xe, Thanh hỏi với vào trong:
- Anh ơi, anh có mua điện thoại cũ không ạ?
- Có!
Thanh mở cốp xe lấy điện thoại ra đưa cho người đàn ông.
- Điện thoại này em đang dùng, em có chút việc gấp cần tiền, anh xem mua cho em được bao nhiêu?
- Nokia à? giờ không được giá đâu, đưa đây anh xem.
Ông ta cầm điện thoại nhưng vẫn kịp ném ánh mắt thăm dò Thanh như một phản xạ tự nhiên nghi ngờ chiếc điện thoại này là của ăn cắp.
Cũng không có gì là lạ, Thanh hiểu việc đó. Năm ngoái khi còn làm thợ sửa máy tính và kiêm cả kinh doanh cho một cửa hàng máy tính cũ trên đường Lê Thanh Nghị, Thanh cũng gặp nhiều thành phần phức tạp lén lút mang gạ Thanh mua các thiết bị điện tử, có khi còn gạ Thanh mua cả bếp ga mới tinh. Còn có một gã lấm lét vác cả một cái bao tải trong đựng toàn đồ điện tử vào gạ gẫm:
- Ông anh à, em là lái xe tải, hôm qua em biển thủ của công ty được cái bếp ga xịn bán rẻ cho ông anh. Ông anh mua không?
Nhưng tất cả cũng chỉ là trò bịp bợm bán hàng tàu giả nhãn mác hoặc đồ trộm cắp. 
Vốn là dân kỹ sư công nghệ tốt nghiệp trường đại học có tiếng ở HN, biết sửa chữa máy tính, kiêm cài đặt phần mềm Đang làm thuê cho một cửa hàng, nhờ tháo vát, Thanh nhận làm mọi công việc từ A tới Z. Phía dưới cũng có 2 thằng nhân viên mới ra trường làm chân sai vặt với chuyển giao, nhận máy tính. Cuộc sống thu nhập tháng cũng trên 10 triệu cũng đủ đưa tiền cho vợ con chi tiêu. Hắn cũng nhận sửa máy tính tại nhà nên cũng tích góp được chút chút. Đang làm ăn bình thường ổn định đâu ai có thể ngờ được dịch bệnh tiêu tan công việc. 
Hơn một năm trời, cửa hàng toàn đóng cửa với cách ly liên tục, những lúc mở cửa cũng chẳng có mấy khách - ông chủ thì nợ lương do không nuôi nổi nhân viên, với trả tiền thuê mặt bằng nên đành cho Thanh nghỉ việc không lương đợi dịch qua thì trở lại làm việc. 
Sáu tháng nay, Thanh chỉ nhận sửa chữa máy tính tại nhà qua người thân, bạn bè nhờ vả nên cũng có đồng ra đồng vào. Đùng 1 cái, ông bạn thân mấy năm học cấp 3 đến nhà, vợ chồng mời ở lại ăn cơm thì bất ngờ ông bạn ôm chân kể lể cắm cái xe là phương tiện duy nhất để chạy grab gửi tiền về quê nuôi vợ con, nay ko có gì để làm ăn nên cũng khổ. Lúc đầu thì hắn ko thừa nhận đánh bài bạc, về sau Thanh mới biết cũng do cờ bạc hắn mới cắm xe. Nên cũng chẳng có cơ hội nó trả lại tiền trong đợt khó khăn này.
Vợ Thanh thì làm kế toán cho một công ty xây dựng cũng khốn khó vì dịch bệnh, công ty không nghiệm thu được công trình nào suốt cả năm nay, rồi cũng liên tục làm việc tại nhà vì dịch bệnh. Có lần tòa nhà bên cạnh bị phong tỏa vì có nhân viên dính F0, vợ hắn tá hỏa vì lo bị dính F1 đi cách ly phải xa con thì chắc gì chịu đựng được, nhưng may mắn thay thời điểm cùng xuống lấy hàng của cùng một ông shiper, vợ hắn xuống trước mấy giây nên chỉ được thông báo làm việc tại nhà, tự cách ly. Lương của vợ hắn cũng bị cắt giảm nhiều từ 7 triệu, giờ nhìn bảng lương tháng còn hơn 5 triệu đã thế lại còn nợ 3 tháng nay. Làm việc ở nhà, ít việc chẳng biết làm gì nên đi ra đi vào. Mấy tháng nay cũng tập tọe lên facebook đăng bán kimchi, muối dưa với muối cà, vui vui. Có hôm vợ Thanh còn nấu chè bán, cũng chắp nhặt đồng ra đồng vào.



- Này! mở khóa cái điện thoại này giúp cái!
Người đàn ông chủ quán điện thoại hỏi, tay anh ta vẫn đang lật qua lật lại mở ốp điện thoại tra mã code gì đó. Chắc hỏi cũng là cách nhận biết có phải điện thoại của Thanh không hay đồ đi ăn cắp.
- Dạ mã là 0601 ạ.
- Thế ông định bán giá bao nhiêu?
- Em mới mua 8 tháng giá mới là 2 triệu 9, giờ em cần tiền nên bán cho anh triệu hai ạ.
- Triệu hai ông cầm về dùng nhé.
- …….
- Thế anh trả em được bao nhiêu?
- 500 nghìn bán thì mua, giờ ai cũng khó khăn ko ai mua giá này cả.
Rồi lão chủ cửa hàng đưa trả lại điện thoại cho Thanh. Mông lung và thất vọng cầm điện thoại hắn toan sẽ tới thêm một cửa hàng nữa, bước ra xe định nổ máy thì lão chủ gọi lại.
- Giá nét 800 nghìn bán ko?
- Một triệu em mới bán không thì thôi ạ.
- Thôi được quay lại đây 900 nghìn mua hết nấc cho ông.
Một lúc sau Thanh bước ra khỏi quán cùng với vài tờ tiền mỏng manh cuộn lại nhét vào túi quần với cảm xúc hụt hẫng, vòng qua chợ mua mấy quả măng cụt rồi định quay về nhà làm lành với vợ. Về tới nhà, dựng xe trước cái sân nhỏ, trong ngõ này toàn nhà 3,4 tầng riêng nhà hắn thuê là nhà cấp bốn lụp xụp với giàn cây nho phủ kín xum xuê, khiến cho căn nhà lúc nào cũng tối tăm ẩm thấp, cây có từ trước do chủ nhà trồng. Chủ nhà thì cũng chỉ biết tên là bà Minh chứ thực chất chưa từng gặp lần nào, được giới thiệu qua người quen nên hắn đến thuê, rồi cứ 3 tháng một lần chuyển 12 triệu tiền thuê nhà qua tài khoản mà mấy năm rồi cũng không thấy bà xuống thăm nhà, nghe nói bà có rất nhiều nhà. 2 tuần trước Thanh cũng xoay tiền để thanh toán cho bà. Thanh cài then cổng ken két, quay vào nhà nhìn bên trong, vợ đang ngồi ghế ôm thằng con ngủ, mắt ngước lên chằm chằm xem tivi.
“Ngày 22/7/2021 tính đến 18h tổng số ca 6.194 ca như vậy Việt Nam nâng một kỷ lục mới trong ngày, riêng TP.HCM 4.218 ca. Các địa phương ghi nhận ca mắc lớn từ 6h00 đến 18h00 gồm: TP.HCM 1.785 ca … Hà nội 48 ca …”
- Anh ơi! Sài Gòn căng thẳng quá, toang rồi anh ạ. Em sợ kiểu gì Hà Nội cũng phong tỏa thôi, chết dở. Anh có bán được điện thoại không? Được bao nhiêu, hay mình cứ đi mua ít đồ dự trữ nhé.
- Bán được có 900 nghìn.
- Thế dồn vào 1 triệu giờ ra chợ mua ít thịt với rau để tủ cho yên tâm, lúc nãy lướt phây có người bảo khả năng Hà Nội tối nay phong tỏa đấy.
- Thế à? Ơ! thế hết giận chồng rồi à.
- Giận gì giờ còn hơi đâu mà giận, lo kiếm gì ăn đã anh. Nhưng giờ có tổng một triệu tư mình sẽ mua được gì đây mới là vấn đề?
- Anh vừa mua 7 chục tiền măng cụt rồi. 
- Anh hâm vừa chứ, mua thịt mua rau còn có lý mua mấy hoa quả làm gì??? (vợ Thanh cau mày nói lớn)
- Thì lâu rồi nhà mình không có hoa quả ăn, mua về cho em với con thôi chứ anh cần gì.
- Anh điên à? Con cần thức ăn, cần sữa, cần gì ăn hoa quả cho sang mồm.
Thanh biết vợ sẽ nổi cáu nếu hắn tiếp tục căng thẳng thì cũng chẳng giải quyết được gì nên hắn im lặng đá cái ghế nhựa ngồi xuống để túi măng cụt lên bàn bên cạnh, cái bàn mà hắn vẫn ngồi đó để làm việc và sửa máy tính mỗi ngày. 
- Hay là mình bán cái nhẫn cưới của anh đi nhé, cũng được tầm hơn 3 triệu cho yên tâm.
- Anh quẫn trí à? Nhẫn cưới là cái đồ thiêng liêng mà anh còn định đem bán.
Thanh im lặng, mở điện thoại lên vuốt vuốt vu vơ, hắn tái mặt dừng lại ở 1 status của 1 người trong nhóm NGƯỜI HÀ NỘI nội dung ghi “từ 6h ngày 24 tháng 7 Hà Nội cách ly toàn xã hội 15 ngày” có cả nghìn like với comment. Nếu giờ mà cách ly 15 ngày trong nhà có hơn 1 triệu thì lấy gì mà ăn đây.
- Em ơi, khả năng 6h sáng mai cách ly toàn xã hội rồi em ạ.
- Vậy thì chết dở, em đang F1 không đi chợ được anh đi ngay đi không chiều nay không còn gì mà mua đâu. Ra ngoài chợ hoặc vào siêu thị Vinmart mà mua, mua được gì thì mua, chứ cả tuần rồi từ hôm 17 đến giờ Hà Nội cũng giãn cách nhẹ rồi, các nhà hàng cửa hàng cấm hết rồi, mọi người nghe tin này sẽ đổ xô đi mua cho mà xem. Cách ly thì liệu có được đi chợ không nhỉ? Nhưng mà nhìn TP.Hồ Chí Minh đấy em xem thấy bảo kinh khủng lắm, người chết la liệt không có chỗ chôn. Sợ thật. (vợ Thanh hốt hoảng hoang mang)
- Để ra chợ tiện anh gọi điện về quê vay anh Quảng ít tiền mua được gì thì mua chứ không chết đói.
Thanh lại lôi xe của vợ ra khỏi nhà, nằm gọn bên trong sân vẫn chiếc xe wave Alpha của hắn bao năm chinh chiến. Lần này Thanh rẽ vào con đường vành đai 2,5 của Hà Nội, vẫn đang dở đất đá bừa bộn hắn dừng lại ở đoạn đường vắng nhấc điện thoại gọi về cho anh trai ở quê. Thực ra quê hắn Hưng Yên cũng đang tâm dịch, anh trai thì kinh doanh đồ không thiết yếu nên cũng đóng cửa bấy lâu nay chắc gì có tiền.
- Anh Quảng ạ, ở nhà ổn không anh?
- Cũng bình thường, anh 2 tuần rồi bên xã nó bắt đóng cửa chẳng có thu nhập gì cả, nhưng may ở quê nên cũng không chết đói được. Mày trên đó thế nào?
- Em bình thường ạ, cũng khó chăn 1 chút nhưng em vẫn có tiền mua thức ăn. Bố mẹ thế nào anh?
- Bố mẹ có tiền tiết kiệm nên chắc cũng không lo đâu, mày lo ở trên đó ý. Cẩn thận cần thì anh gửi đồ lên nhé. Anh chị không có nhiều tiền nhưng mua rau trứng gửi lên được, chiều anh bảo chị đi mua cho mai anh gửi lên.
- Dạ thôi em cũng đủ rồi, anh đừng mua mất thời gian mà cũng chắc gì gửi xe ô-tô được! Xe buýt nó dừng mấy tuần rồi nên em còn không bắt được xe về quê đây. Xe khách thì dừng tuyệt đối rồi, có xe nào ra vào được Hà Nội đâu ạ.
Hỏi dăm ba câu rồi Thanh dừng câu chuyện không đủ dũng khí để vay anh trai, vì giờ hắn biết bản thân anh chị cũng khó khăn, 3 đứa con chứ có ít gì, 2 anh chị ở nhà trông vào cái cửa hành sách vở, tạp hóa học sinh vì nhà gần trường học, mà quán thì đóng cửa thì lấy nguồn thu ở đâu ra.
Thanh quyết định vòng ra chợ Xanh Định Công - gần đó có cửa hàng vàng bạc Hải Phương nơi mà hồi cưới hắn đã mua 1 cặp nhẫn cưới cầu hôn vợ. Nhìn lại chiếc nhẫn đang đeo hắn trực tuôn nước mắt kỉ niệm ngày yêu nhau ùa về trong tâm trí. Hăn bật khóc vì bán đi kỷ vật thiêng liêng nhất. Lúc sau bình tĩnh hắn bước vào.
- Chị ơi, em muốn cầm cái nhẫn này được không ạ, em không muốn bán.
- Một chiếc lẻ à? 1 chiếc thì bán cho ai được chỉ quy được ra trọng lượng giá vàng thôi vì sẽ phải chế tác lại.
- Chị ơi. Thôi cho em cầm 1 tháng cũng được em không muốn bán.
Với 2 triệu trong tay, hắn bước ra khỏi quán rẽ vào chợ Xanh mua đủ thứ nào cân thịt lợn, thịt bò, rau muống, rau cải, mấy bìa đậu, nào con gà thịt sẵn, rồi cà chua, khoai tây... Chợ gần 4h mà hôm nay người đi mua đông bất thường, ai cũng khệ nệ khuân vác như hắn, thành ra mấy chị bán hàng cứ liên tiếp cân đong đo đếm, chẳng mấy chốc chợ đông nghịt người. Mấy chị bán rau bên ngoài cổng vừa dọn hàng đã trơ trọi còn lác đác vài cọng rau kém chất lượng vì người ta tranh nhau mua cả.
Thanh tay xách nách mang về đến nhà, vợ và con trai cũng đã ngủdậy. Thằng bé chạy ra hỏi bố đi đâu mà mua nhiều đồ thế, ngạc nhiên mắt tròn xoe sung sướng ngơ ngác.
- Anh lấy tiền đâu ra mà mua nhiều thế, vay được anh Quảng à?
- Không, anh ngại không giám hỏi. Anh chị ấy cũng khó khăn, cầm tạm cái nhẫn, hết cách ly thì mình chuộc lại.
- Haizzz…. Thôi đành tạm thế vẫn còn lấy lại thì được. Anh mua hết nhiều không?
- Chắc tầm hơn 1 triệu anh muốn giữ lại 1 triệu trong nhà cho an toàn.
- An toàn cái gì 1 triệu.  Anh còn chưa mua sữa cho con đâu anh. Để tý em gọi quán đầu hẻm mua mấy vỉ sữa với bánh mỳ và yến gạo. Trong nhà cũng chẳng còn bao nhiêu.
- Thôi em, đang bị cách ly tại nhà, em ở nhà cho an toàn để anh ra mua.
Thực sự, cho đến hôm nay đã hơn 1 năm rồi, dịch hoành hành khắp nơi trên thế giới, có lẽ Thanh cũng như vợ hắn, rồi nhiều người bàng hoàng không ai có thể mường tượng được đại dịch đến bất ngờ và thật sự dã man, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả mọi người trên thế giới, dịch cúm xuất phát từ Trung Quốc lan sang Châu Âu rồi Mỹ tất cả các quốc gia thiệt hại nặng nề chưa từng có hơn 200 triệu người nhiễm, hơn 4 triệu người chết, chưa dừng ở đó con số còn liên tục tăng nhiều nơi theo cấp số nhân. Ở Việt Nam cả tháng nay TP. Hồ Chí Minh trở nên nghiêm trọng mỗi ngày nghiễm hơn nghìn ca, có ngày hơn 6 nghìn ca thật khủng khiếp. Số ca tử vong cả nước lên đến hơn 4000 người. 
Sau buổi tối hôm ấy thời sự chính thức tuyên bố chỉ thị giãn cách Hà Nội. Rồi Hà Nội cũng liên tiếp tăng ca nhiễm, có hôm lên đến 83 ca. Người dân nín thở ở trong nhà, mọi người tự cách ly nhau, coi nhau là con bệnh, nhớ mẹ nhớ cha không dám về. Những ngày liên tiếp, vợ chồng Thanh ở nhà ra ra vào vào, gặp nhau chán nản mệt mỏi và hồi hộp xem tivi, xem youtube, rồi lướt facebook chờ đợi, mong mỏi những tin tích cực hơn ở TP. Hồ Chí Minh, hay mong cho Hà Nội có thể khống chế được dịch để còn ra đường kiếm tiền, để Thanh còn bật grab chạy. 



Không biết bao lần Thanh gọi điện về quê cho bố mẹ mà cảm thấy thương xót vì muốn gửi con trai về quê cho ông bà. Thanh muốn về quê mà thời bình ngang thời chiến, công an chặn khắp ngả đường nên việc đi lại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chắc đời này chẳng ai có thể tưởng tượng được xã hội lại có những thời khắc lịch sử đáng nhớ như 2 năm nay… và cũng chẳng biết bao giờ sẽ kết thúc mà có khi ngày càng nguy hiểm hơn cũng nên. 
Lắm lúc hắn nghĩ căm tức thằng Trung Quốc- cái nơi xuất phát căn bệnh này, làm cho cuộc sống của hắn trở nên khốn khổ làm sao. 
5 ngày sau thì đồ ăn cũng chẳng còn, tủ lạnh lại trống trơn. Nhưng may thay, người ta cũng bắt đầu phát phiếu để đi chợ phiên như thời bao cấp. 10 ngày sau trong nhà cũng chẳng còn tiền vì vợ Thanh cũng đặt mua vài thứ cho con trai. Vợ chồng Thanh bắt đầu sợ hãi gọi điện về quê mong tiếp tế nhưng không được. Quá khó vì dịch bệnh, cấm đường nên việc gửi thực phẩm là vô cùng khó khăn và đắt đỏ. Có lần anh Quảng với bố mẹ ở quê cũng đóng gói cho Thanh được túi rau và năm chục trứng vịt, nhưng tiền gửi lên tới 200 nghìn, mà cũng phải chờ đợi mãi mới được nhận. Xót tiền, nên lại thôi.
Thanh bắt đầu quẫn trí, hắn xin làm shipper cho 1 cửa hàng tạp hóa bán hàng online ngoài đầu ngõ, đi giao gạo và nhu yếu phẩm cho người ta. Kiếm được vài chục tiền ship mỗi chuyến để đổi lại mua gạo và thức ăn cho vợ con.
Chuyến đi đầu tiên của hắn, vợ hắn khóc… khóc rất nhiều lo cho hắn, lo cho gia đình thành F1, thậm trí thành F0 nếu cứ đi giao hàng như thế này, nhưng nếu không đi thì không có tiền để sống. Còn Thanh cứ nghĩ đến cuộc sống mà sống mũi cay cay. Hôm qua, tranh thủ trong lúc đợi giao hàng cuối cùng trong ngày ở chung cư Linh Đàm, trời chiều, cơn giông cuốn phăng cành cây rơi ngay dưới chân mà sợ hãi, hắn đứng mua bao cao su để tối nay còn xài, cách ly thì chuyện vợ chồng vẫn phải đều ở cái tuổi xuân nhất đời người làm sao mà dừng được. Mưa to quần quật tạt vào mặt người ướt toàn thân Thanh lạnh run rẩy phi xe về nhà sau chuyến đi ấy.
Bước vào nhà với tay vắt cái áo mưa vào khung cửa sổ, vừa nghe tivi oang oang:
“Hôm nay Hà Nội, theo nghị quyết số 68 của chính phủ và để đảm bảo dãn cách thì cán bộ các quận huyện đồng loạt sẽ đến từng nhà để trao tiền hoặc trao trực tiếp tại ủy ban nhân dân các cấp cho các đối tượng lao động tự do theo danh sách đã hẹn trước” .
- Chắc đối tượng như mình chỉ có lên tivi mà nhận thôi anh nhỉ? Tiền ở đâu ý chẳng bao giờ tới tay mình.
- Ôi xời, trên diễn đàn phây nhiều người cũng đặt câu hỏi là muốn lĩnh hỗ trợ 1,5 triệu cho lao động tự do mất việc vì Covid chỉ có lên tivi thôi, thực tế trong còm men chẳng có ai khó khăn được nhận đâu. Trông mong gì!
- Thật! Trong Sài Gòn, hàng chục nghìn người miền Trung bỏ chạy vì không có tiền sống, cách ly mà không có tiền thì chết đói trước khi chết dịch.
- Mình thì khác gì, giờ mà cho về, mình cũng về quê chứ như thế này sống sao được. Chờ tiền có mà mốc mồm.
Đêm ấy Thanh thức trắng đêm ngẫm nghĩ thời cuộc khó khăn chồng chất, ngày mai lấy tiền đâu mà mua thức ăn, mua rau, ngày mai có hơn trăm nghìn, đến ngày được đi chợ theo giấy được phát, nhưng vợ hắn biết mua gì. Ngày mai làm sao có tiền mua xăng xe để đổ đi ship đồ. Thanh mất ngủ trằn trọc, thương vợ con, thương cho hắn, thương cho bố mẹ, thương cho anh chị, thương cho xã hội lao và cuộc chiến Covid biết ngày nào hết đây.
Sáng hôm sau, 9h00 Thanh mới ngóc đầu dậy thấy vợ hí húi luộc món bún khô để chấm nước mắm. Món quen thuộc mấy hôm nay. Thanh ngồi dạy ôm con, lướt lướt facebook, rồi bàng hoàng hắn tái người chết lặng khi có tin: tòa nhà hôm qua hắn mua thuốc và giao hàng có 1 ca F0.  Theo thông báo ngay lập tức hắn phải khai báo y tế và tự cách ly ở nhà. Ôi thôi, thế là ít nhất 21 ngày tới, hắn không thể đi giao hàng được nữa. Quá khó khan! chồng chất khó khan! 
Buổi chiều hắn gọi điện cho anh Quân, chủ cửa hàng sửa xe trên đường Giải Phóng.
- Anh ơi, khó khăn quá em bán cho anh cái xe wave hôm trước anh sửa. Em đang phải cách ly tại nhà, anh cho người qua lấy xe giúp em nhé.
- Thế chú đồng ý giá hôm nọ thỏa thuận 6 triệu thì anh qua, con này đời “sâu” rồi, bán được bao nhiêu đâu. Giờ anh cũng không mở cửa hàng. Đồng ý thì anh chạy qua xem lại xe 1 lần nữa rồi chuyển khoản cho chú.
- Vâng, thôi anh qua luôn đi ạ, em sẽ chuẩn bị giấy tờ cho vợ mang xe ra ngõ 192 Lê Trọng Tấn, anh qua vợ em giao xe cho. Anh mang tiền mặt giúp em. Em còn lấy tiền mua gạo.
Vợ Thanh im lặng, nước mắt cứ chảy dài trên 2 gò má gầy còm. Thằng con tự chơi một mình ngồi trên giường lắp ghép mấy mảnh lego xanh đỏ cũ kỹ thỉnh thoảng dơ khẩu súng lên khoe. 
Tivi phát thời sự buổi chiều: 
“Ngày 6-8, Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết Thường trực Thành ủy Hà Nội đã nhất trí kéo dài thời gian giãn cách xã hội toàn thành phố thêm 15 ngày đến ngày 22-8”
"Hà Nội sẽ áp dụng giãn cách xã hội thêm 15 ngày nữa theo chỉ thị 16 của Thủ tướng để đảm bảo phòng, chống dịch một cách tốt nhất”.
Thanh nghiến 2 hàm răng vào nhau, cằm bạnh ra, chưa bao giờ hắn căm ghét con Covid như lúc này. Đó chính là con cúm Tàu hại cả nhà hắn, hại cả thế giới này. Cả thế giới này có khác gì đang trải qua chiến tranh thế giới lần thứ 3! 
Hắn muốn chửi bậy vì bất lực trước khó khăn cùng cực này mà còn không biết đến khi nào.
Nguyễn Tuân - đêm 12/08/2021

Tin cùng chuyên mục

Lãnh đạo đổi mới sáng tạo 2023

Lãnh đạo đổi mới sáng tạo 2023

Đổi mới liên tục khiến doanh nghiệp trăm năm tuổi ABB group (1883) Công Ty Công Nghệ & thiết bị điện tồn tại toàn cầu bền vững xuyên thế kỷ, đổi mới sáng tạo khiến Spotify là nền tảng âm nhạc lớn nhất thế giới...

Áp dụng ai truyền thông bigdata chi phí siêu rẻ

Áp dụng ai truyền thông bigdata chi phí siêu rẻ

Với công nghệ AI mà tôi áp dụng và chiến lược MKT online để truyền thông, Văn Miếu QTG là di sản Quốc Gia đặc biệt đã tiếp cận tới BigData bán kính lên tới 50km

Đại dịch covid đến từ trung quốc

Đại dịch covid đến từ trung quốc

Đại dịch đến từ TQ khiến cả thế giới chao đảo, thế giới gặp phải bước ngoặt lớn của sự phát triển và thay đổi mãi mãi. 2 năm 2020, 2021 và có thể nhiều năm nữa sau này các thế hệ tiếp nối sẽ nhắc lại là những sự sợ hãi mất mát trên toàn cầu.

Thế giới là một đại quốc gia

Thế giới là một đại quốc gia

Ủng hộ ông Trump nhưng giờ thì ông nào làm tổng thống thì cũng sẽ làm thay đổi thế giới rất nhiều trong 4 năm tới, bởi chính sách và sức ảnh hưởng của Mỹ là rất lớn từ các công ty công nghệ hàng đầu đều thuộc về đất nước họ.

Chuyện trường chuyên  nền giáo dục việt nam cần thay đổi

Chuyện trường chuyên nền giáo dục việt nam cần thay đổi

Bài viết dưới đây rất hay vì nó cho thấy VN đang có 1 nền giáo dục tồi tệ, bởi giới quản lý ngành giáo dục phi nhân tính tìm mọi cách để moi tiền, vấn đề học càng khó thì người ta mới sẵn sàng chi cả trăm triệu để theo đuổi những bài toán tích phân, đạo hàm, khai căn... mà sau khi ra trường 20 năm và mình đang theo đuổi khoa học máy tính nhưng chưa 1 lần dùng tới. Những ai từng học và có con đang độ tuổi học phổ thông mới thấu hiểu 1 nền giáo dục ngu xuẩn. Nhưng ko thể ko theo dc vì nếu ko con chúng ta sẽ thành những đứa cá biệt, mà cá biệt sẽ bị tách biệt với xh mất tự tin cũng dễ hỏng cuộc đời, mà theo đuổi thì mệt mỏi dõi theo nhìn bọn trẻ đến xót xa.

Tôi đã sai lầm khi tin vào dịch vụ seo giá rẻ "!

Tôi đã sai lầm khi tin vào dịch vụ seo giá rẻ "!

Đây là câu chuyện của một chủ doanh nghiệp đã từng tin và sử dụng dịch vụ SEO giá rẻ, giá cả phải chăng… liệu tiền có mất tật mang…và cái kết

Liên hệ