Sử dụng trí tuệ nhân tạo, Công ty Seegene, Hàn Quốc đã ra mắt bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 chỉ trong 3 tuần, góp phần sớm kiểm soát dịch bệnh
Tốc độ xử lý nhanh hơn cả… virus
Về mặt bản chất, trí tuệ nhân tạo là một tập hợp các hướng dẫn cho máy tính biết phải làm gì, từ nhận dạng khuôn mặt trong album ảnh trên điện thoại của chúng ta cho đến sàng lọc những kho dữ liệu khổng lồ. Giới chuyên môn thường gọi chúng là thuật toán, cho phép chúng ta xử lý rất nhiều thông tin, rất nhiều dữ liệu “thô”, trong thời gian rất ngắn.
Ngay từ khi bắt đầu đại dịch, AI đã giúp chúng ta tìm hiểu về SARS-CoV-2, loại virus gây ra dịch bệnh Covid-19, cụ thể là đã giúp các nhà khoa học nhanh chóng phân tích thông tin di truyền của virus. Bất kỳ sinh vật sống nào cũng mang thông tin di truyền riêng. Vì thế, nếu muốn tự bảo vệ mình, con người nên biết rõ hơn về kẻ thù của mình. AI cũng đã giúp các nhà khoa học hiểu được tốc độ biến đổi của virus và giúp họ phát triển và thử nghiệm vaccine.
Với đại dịch Covid-19, trí tuệ nhân tạo có thể đã giúp cứu một vài mạng người. Chúng đã được sử dụng trong các công cụ chẩn đoán có khả năng đọc rất nhiều tia X-quang ngực nhanh hơn bất kỳ bác sĩ X-quang nào. Điều đó đã giúp các bác sĩ xác định và theo dõi bệnh nhân Covid-19 nhanh hơn. Các loại AI khác, tương tự như thuật toán nhận dạng khuôn mặt, có thể được sử dụng để phát hiện những người bị nhiễm bệnh hoặc những người có nhiệt độ cao trong đám đông. Các robot do AI điều khiển có thể làm sạch bệnh viện và các không gian công cộng khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang thành lập một trung tâm cảnh báo sớm toàn cầu về đại dịch ở Berlin, Đức. Tổ chức này muốn trung tâm sử dụng sức mạnh và tốc độ của AI để phân tích dữ liệu sức khỏe được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hồi tháng 5-2021 nhận định: “Đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra những lỗ hổng trong hệ thống toàn cầu về đại dịch và thông tin tình báo về dịch bệnh”. Ông Tedros cho biết, điều quan trọng là sử dụng AI để phân tích vấn đề từ nhiều nguồn và lĩnh vực khoa học khác nhau. Ông nói: “Virus di chuyển nhanh. Nhưng AI có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn virus”.
Mô hình áp dụng thành công
Ở Nigeria, công nghệ này đã được sử dụng ở mức độ rất cơ bản nhưng thiết thực để giúp mọi người đánh giá nguy cơ bị nhiễm bệnh của họ. Mọi người trả lời một loạt câu hỏi trực tuyến và tùy thuộc vào câu trả lời của họ, được cung cấp lời khuyên y tế từ xa hoặc chuyển hướng đến bệnh viện. Công ty có tên là Wellvis, sử dụng công nghệ này cho biết, họ đã giảm số lượng người gọi đến đường dây nóng kiểm soát dịch bệnh một cách không cần thiết.
Còn tại Hàn Quốc, trí tuệ nhân tạo đã đóng góp vào việc đẩy nhanh việc ra mắt bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19, bởi một trong những điều quan trọng nhất để chống dịch là phải tìm ra ai bị nhiễm càng sớm càng tốt. Ngay từ đợt dịch đầu tiên, Công ty Seegene ở Seoul đã sử dụng AI để phát triển bộ kit xét nghiệm Covid-19. Youngsahng "Jerry" Suh, người đứng đầu bộ phận khoa học dữ liệu và phát triển AI tại Công ty Seegene cho biết, họ đã khởi động kế hoạch vào ngày 24-1-2020, chỉ mới đến ngày 5-2, phiên bản đầu tiên đã sẵn sàng. Đây chỉ là lần thứ ba công ty sử dụng siêu máy tính và phân tích Dữ liệu lớn phục vụ cho việc này. Kết quả, họ đã bước vào sản xuất lô hàng đầu tiên chỉ sau 3 tuần. Đến giữa tháng 3-2020, Hàn Quốc đã thực hiện xét nghiệm cho 230.000 người, một yếu tố “làm phẳng đường cong” khi dịch bùng phát. “Chúng tôi cũng liên tục cập nhật khi các biến thể và đột biến mới được tìm ra. Vì vậy, các thuật toán của chúng tôi cũng phát hiện ra các biến thể mới đó”, ông Suh nói.
Trong khi đó, ở Nam Phi, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một thuật toán dựa trên AI để dự đoán các ca nhiễm được xác nhận hàng ngày trong tương lai. Nó dựa trên dữ liệu từ lịch sử lây nhiễm trong quá khứ cũng như các thông tin di chuyển của người có liên quan. Ông Jude Kong, người đứng đầu Hiệp hội Đổi mới Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo châu Phi-Canada cho biết: “Mọi người nghĩ rằng biến thể beta sẽ lan rộng khắp lục địa và áp đảo hệ thống y tế của chúng tôi, nhưng với AI, chúng tôi có thể kiểm soát điều đó”. Dự án là sự hợp tác giữa Đại học Wits, chính quyền tỉnh Gauteng ở Nam Phi và Đại học York ở Canada, nơi ông Jude Kong, người Cameroon, là giáo sư. Ông Jude Kong cho hay, “dữ liệu ở châu Phi rất rời rạc” nhưng AI đã giúp họ “tiết lộ những thực tế tiềm ẩn” cụ thể cho từng khu vực để thông báo cho y tế địa phương. Họ đã triển khai mô hình AI ở Botswana, Cameroon, Eswatini, Mozambique, Namibia, Nigeria, Rwanda, Nam Phi và Zimbabwe. “Nhiều thông tin là một chiều. Bạn biết số người nhập viện và ra viện. Nhưng ẩn bên dưới đó là độ tuổi, bệnh nền và cộng đồng nơi họ sống. Chúng tôi tiết lộ điều đó với AI để xác định mức độ dễ mắc của họ và thông báo cho các nhà hoạch định chính sách”.
Theo An Ninh Thủ Đô