Đây là một dự án do Báo tự nghiên cứu phát triển nằm trong chuỗi các hoạt động chuyển đổi số toàn diện phương thức tác nghiệp và đổi mới sản phẩm đa phương tiện nhằm bắt kịp các xu hướng báo chí truyền thông mới nhất của thế giới.
Xu hướng mới trên thế giới
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng sự bùng nổ của các dạng thức truyền thông mới đang mở ra cả cơ hội lẫn thách thức cho các cơ quan báo chí; đặt các tòa soạn và hãng tin vào một tình huống buộc phải lựa chọn để tồn tại trong một trật tự thế giới mới: Hoặc chuyển đổi số mạnh mẽ, thích ứng với các mô hình quản trị tác nghiệp, mô hình sản xuất - xuất bản - kinh doanh tin tức phi truyền thống; hoặc chấp nhận làm người đi sau với số lượng phát hành, lưu lượng truy cập và doanh thu giảm dần đều theo từng năm.
Cùng với xu hướng đó, trong những năm gần đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đang được sử dụng rộng rãi tại nhiều tòa soạn và các hãng thông tấn lớn trên thế giới. Rất nhiều sản phẩm báo chí được đăng tải hiện nay đang do công nghệ AI tạo ra. Báo chí hiện đại đang chứng kiến một sự phân hóa mạnh mẽ về chức năng và đặc thù lao động của nhà báo với các robot trí tuệ nhân tạo trong quy trình thu thập thông tin, phân tích nội dung, sản xuất và xuất bản tin tức.
Năm 2014, Tờ Los Angeles Times xuất bản một bản tin cảnh báo động đất. Ba phút sau khi đăng tải, một trận động đất đã xảy ra trên thực tế. Điều đáng nói ở đây là bản tin do Los Angeles Times được tạo ra bởi một hệ thống xử lý tin tức trí tuệ nhân tạo có tên Quakebot. Hệ thống này tự động tạo ra bản tin cảnh báo dựa trên việc phân tích các gói dữ liệu do cơ quan khảo sát địa chất Hoa Kỳ cung cấp. Sự kiện này trở thành một dấu mốc quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất tin tức tự động của báo chí hiện đại.
Cuối năm 2018, Tân Hoa Xã giới thiệu người dẫn chương trình ảo mô phỏng giọng nói, phong cách dẫn chương trình của biên tập viên tin tức Qui Meng. Mặc dù còn nhiều hạn chế về mặt xử lý ngôn ngữ tự nhiên và động tác hình thể nhưng người dẫn chương trình ảo này đã đánh dấu một bước tiến của nhân loại trong việc ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất và xuất bản các sản phẩm báo chí.
Tháng 11.2020, đài MBN (Maeil Broadcasting Network) của Hàn Quốc ra mắt người dẫn chương trình ảo bằng công nghệ AI trong bản tin thời sự tối với hình mẫu là biên tập viên tin tức nổi tiếng Kim Joo Ha. Từ thời điểm này, MBN sử dụng biên tập viên ảo cho các sự kiện nóng dạng “breaking news” trên sóng truyền hình.
Lần đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 8.7.2021, Báo Lao Động chính thức ra mắt một bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo được sản xuất tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo dựa trên hệ thống LDO-AI.
Biên tập viên ảo trong bản tin của Báo Lao Động được tạo tự động trên máy tính, mô phỏng 100% khẩu hình, biểu cảm khuôn mặt, ngôn ngữ hình thể và phong cách dẫn chương trình của người thật dựa trên các thuật toán học máy (Machine Learning) và học sâu (Deep Learning). Với mỗi robot biên tập viên ảo, hệ thống sẽ sử dụng hàng nghìn mẫu khẩu hình, động tác biểu cảm, cử chỉ khuôn mặt/hình thể khác nhau để phân tích và khớp với nội dung, ngữ điệu, sắc thái thể hiện của từng bản tin; từ đó tự động tạo ra các video tin tức để xuất bản trên báo và các hạ tầng số khác.
Hiện tại, Báo Lao Động đã ứng dụng sản xuất thử nghiệm định kỳ 10 bản tin nhanh mỗi ngày bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và đang triển khai kế hoạch tối ưu sản phẩm, tối ưu quy trình nhằm mở rộng sản xuất đại trà, đáp ứng nhiều hình thức xuất bản và loại hình nội dung khác nhau.
Ngay sau khi ra mắt, sản phẩm đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của các độc giả, đồng nghiệp, các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học trong lĩnh vực công nghệ thông tin và báo chí truyền thông. Sự kiện Báo Lao Động ra mắt bản tin truyền hình sử dụng biên tập viên ảo cũng đã tạo ra một xu hướng mới về việc ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí/truyền thông tại Việt Nam.
Từ cuối tháng 7.2021, hàng loạt các cơ quan báo chí lớn đã tìm kiếm, tiến hành hợp tác với các công ty công nghệ trong và ngoài nước, sử dụng các dịch vụ MC ảo trí tuệ nhân tạo dùng chung để có thể tạo ra các video tin tức xuất bản hằng ngày trong bối cảnh làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới việc tác nghiệp truyền thống của phóng viên.
Một trong những điểm đặc thù của hệ thống xử lý tin tức trí tuệ nhân tạo LDO-AI do Báo Lao Động phát triển là những biên tập viên ảo được “huấn luyện” bởi các nhà báo, các biên tập viên truyền hình, các chuyên gia xử lý ngôn ngữ và hình ảnh tự nhiên trong một khoảng thời gian khá dài (với dung lượng lưu trữ dữ liệu mẫu lên tới hàng chục Terabyte); từ đó triển khai các mô hình học máy (ML model) và các thuật toán tối ưu (Optimization Algorithm). Ngoài ra, các mô hình “huấn luyện” máy học dựa trên kinh nghiệm của các nhà báo chuyên nghiệp này còn được tích hợp cùng các quy trình nghiệp vụ báo chí hiện đại và các công cụ tự động hóa tại trường quay và mạng sản xuất - xuất bản đa phương tiện tập trung của báo.
Đây là một lợi thế quan trọng của Báo Lao Động trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động nghiệp vụ báo chí so với các công ty công nghệ thuần túy. Do vậy, các biên tập viên ảo của Báo Lao Động không chỉ mang dấu hiệu nhận diện hình ảnh riêng, phong cách dẫn chương trình riêng mà còn có các sắc thái biểu cảm cũng như ngôn ngữ hình thể linh hoạt và giống với người thật hơn rất nhiều so với các biên tập viên ảo mà Tân Hoa Xã (Trung Quốc), MBN (Hàn Quốc) đã từng giới thiệu hoặc các nền tảng MC ảo dùng chung cho nhiều đơn vị mà một số công ty công nghệ thuần tuý đang phát triển và cung cấp dịch vụ.
Trước đó, vào tháng 5.2019, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ra đời Báo Lao Động điện tử, Báo Lao Động đã từng ra mắt tính năng đọc báo bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo và tạo ra một xu hướng tích hợp công cụ đọc báo AI đối với các báo điện tử tại Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, Báo Lao Động đang là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam ứng dụng khoa học công nghệ để thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ báo chí xuất bản. Với mô hình và quy trình sản xuất bản tin tự động dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, báo có thể thực hiện hàng loạt các bản tin truyền hình định kỳ hằng ngày và các bản tin nóng tại bất kỳ thời điểm nào để cung cấp thông tin tới độc giả.
Trong thời gian tới, ngoài việc tối ưu quy trình sản xuất các bản tin truyền hình tự động, Báo Lao Động sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào các công đoạn khác trong quy trình quản trị, sản xuất và xuất bản tin tức để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số theo mô hình toà soạn đa phương tiện tích hợp.
Theo Báo Lao động