Phía sau một hệ thống phực tạp là những con người làm việc thủ công.
Ứng dụng sành điệu CamFind đã đạt được tiến bộ lớn với trí tuệ nhân tạo (AI) do họ tự phát triển. Ứng dụng này sử dụng nhận diện hình ảnh để xác định vật thể khi bạn hướng camera smartphone vào nó. Tham vọng của CamFind là trở thành sự thay thế nhanh chóng hơn và chính xác hơn so với công cụ tìm kiếm Google.
Nhưng vào năm 2015, thuật toán của CamFind kém tiên tiến hơn nhiều: Công ty chủ yếu dùng nhân viên hợp đồng ở Philippines để nhanh chóng gõ tên những gì họ nhìn thấy qua camera điện thoại người dùng. Chính đồng sáng lập CamFind đã xác nhận thông tin này cho người viết của Bloomberg.
Không ai có thể đoán được điều này từ bản thông cáo báo chí CamFind công bố 6 năm trước. Trong đó, CamFind ca ngợi công nghệ học sâu hàng đầu thế giới và không nhắc đến bất kỳ lao động nào phải nhập liệu thủ công cho hệ thống.
Việc che giấu đầu vào nhân lực trong hệ thống AI là bí mật mà ai cũng biết đối với những người làm trong ngành học máy và AI. Bản phân tích các startup công nghệ năm 2009 tại châu Âu của quỹ đầu tư mạo hiểm MMC Ventures thậm chí còn phát hiện rằng 40% các startup AI tự xưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ thực sự sử dụng AI trong sản phẩm.
Có lẽ con số trên không có gì đáng ngạc nhiên. Đầu tư toàn cầu vào doanh nghiệp AI tăng trưởng đều đặn trong thập kỷ qua và tăng hơn gấp đôi trong năm ngoái, theo hãng nghiên cứu thị trường PitchBook. Gắn mác "AI" cho startup có thể giúp lượng vốn nhà sáng lập huy động được cao hơn 50% so với các công ty phầm mềm khác, theo phân tích của MMC Ventures.
Nhưng việc ngó lơ những con người vận hành các hệ thống này tạo ra sự không công bằng trong lao động và làm lệch lạc hiểu biết của công chúng về cách hoạt động thực sự của học máy.
Tại Thung lũng Silicon, rất nhiều startup đã thành công với chiến lược "biến giả thành thật". Đối với công ty AI, thuê người hỗ trợ các thuật toán có thể là giải pháp tạm thời, nhưng một số lại biến việc này thành biện pháp vĩnh viễn.
Đã có những công ty bị phát hiện là bí mật dùng nhân lực để xử lý biên lai, xếp lịch làm việc hay thực hiện dịch vụ ghi sổ kế toán thay cho "hệ thống AI". Năm 2019, vụ kiện tố giác chống lại một doanh nghiệp Anh tuyên bố rằng khách hàng đã trả tiền cho phần mềm AI phân tích mạng xã hội nhưng thực tế các nhân viên mới là người thực hiện công việc này.
Có lý do khiến tình trạng trên thường xuyên xảy ra. Xây dựng hệ thống AI đòi hỏi con người dành nhiều giờ để đào tạo thuật toán, và một số công ty đã nhập nhằng giữa ranh giới đào tạo và vận hành.
Lời giải thích thường được đưa ra là con người chỉ cung cấp "xác nhận" hay "giám sát" cho thuật toán, giống như kiểm tra chất lượng. Nhưng trong một số trường hợp, người lao động thực chất lại thực hiện các nhiệm vụ chuyên sâu hơn về mặt nhận thức vì thuật toán mà họ giám sát không tự hoạt động đủ tốt.
Lao động vô hình
Việc xem nhẹ vai trò của con người có thể dẫn đến kỳ vọng không thực tế về năng lực của AI. Ông Ian Hogarth, Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học College London cho biết: "Đây là một phần của giấc mơ siêu trí tuệ viển vông".
Đối với những người lao động giấu mặt, điều kiện làm việc của họ có thể "vô nhân tính", ông Hogarth cho biết. Điều này có thể dẫn tới bất bình đẳng và hiệu suất AI kém.
Ví dụ, bà Cathy O'Neil, nhà sáng lập công ty kiểm tra thuật toán ORCAA chỉ ra rằng thuật toán học máy của Facebook không hoạt động đủ tốt để chặn các nội dung gây hại.
Một nghiên cứu học thuật gần đây gợi ý công ty có thể tăng gấp đôi lượng nhân viên kiểm duyệt nội dung lên 30.000 người. Nhưng Facebook cũng có thể công khai về các nhân viên kiểm duyệt.
Ông Cori Crider, nhà sáng lập nhóm vận động công nghệ Foxglove Legal cho biết những lao động hợp đồng này phải ký các điều khoản nghiêm ngặt và không được phép nói chuyện về công việc với bạn bè và gia đình. Foxglove đã giúp một số cựu kiểm duyệt viên thực hiện hành động pháp lý chống lại Facebook với cáo buộc gây tổn hại tâm lý.
Kiểm duyệt nội dung là công việc mệt mỏi về tinh thần và cảm xúc. Ông Crider mô tả nhân viên hợp đồng "bị buộc tối ưu hóa đến từng phút một" để đáp ứng hàng loạt mục tiêu. Việc che giấu sự tồn tại của đội ngũ này khiến vấn đề càng thêm trầm trọng.
Vấn đề tương tự cũng xuất hiện trong nền tảng MTurk của Amazon. Chức năng của nền tảng này là đăng các nhiệm vụ nhỏ cho những người làm nghề tự do. Trong quyển sách "Ghost Workers", hai nhà nghiên cứu Mary Gray và Siddharth Suri cho biết những lao động tự do này là là một phần của lực lượng lao động vô hình chuyên gắn nhãn, chỉnh sửa và phân loại phần lớn những gì chúng ta thấy trên internet.
Các tác giả cho biết AI không thể hoạt động nếu không có những người này, nhưng vai trò của nhân lực lại bị đánh giá thấp.
Cải thiện tình trạng việc làm của những người lao động này sẽ giúp cuộc sống của họ tốt hơn và cũng cải thiện sự phát triển của AI, vì các thuật toán cung cấp dữ liệu không nhất quán có thể ảnh hưởng đến hiệu suất trong tương lai. Ông Crider của Foxglove cho rằng Facebook cần biến người kiểm duyệt nội dung thành nhân viên chính thức làm việc toàn thời gian nếu muốn khắc phục các sự cố nội dung.
Theo Vietnambiz